Tham quan du lịch Đà Lạt bằng máy bay
Hình thành và phát triển trong vòng 100 năm, thành phố Đà Lạt còn rất trẻ nhưng với nhiều ưu thế tự nhiên, nó đã xác định cho mình một bản sắc cá biệt.
Đà Lạt là nơi hội tụ của nhiều nguồn cư dân. Từ trước, nơi đây đã là quê hương lâu đời của người Lạch. Người Pháp trong ý đồ tìm kiếm cho mình nơi nghỉ dưỡng, đã đến Đà Lạt và trong một thời gian dài xây dựng thành phố với dáng dấp và bộ mặt đến nay vẫn còn thể hiện rõ nét. Người Kinh đến Đà Lạt định cư đồng thời với người Pháp. Họ đóng góp sức lực, ý chí lớn lao trong việc xây dựng thành phố và gắn bó lâu dài với vùng đất họ chọn làm quê hương cho mình và con cháu mai sau. Ngày nay, Đà Lạt là thành phố cao nguyên có số lượng người Kinh chiếm đa số tuyệt đối, nên nói đến phong cách người Đà Lạt là đề cập đến lối sống và cách ứng xử của nhóm cư dân này.
Khí hậu mát mẻ còn ảnh hưởng đến thể chất con người. Khí hậu Đà Lạt thuận lợi cho thiếu nữ và trẻ em nên họ có dáng dấp chắn chắn, khỏe mạnh, đôi má ửng hồng, nhất là những ngày sương giá giữa mùa hoa mai anh đào. Cái đẹp người thiếu nữ Đà Lạt là các đẹp khỏe mạnh, tinh khiết, không son phấn màu mè, nét đẹp trầm trầm, kín đáo, e thẹn nhưng rất tự tin.
Sự hiền hòa, thân thiện trong con người Đà Lạt góp phần thu hút khách du lịch
Đà Lạt là thành phố không những trẻ trong tuổi đời mà còn trẻ trong cá tính. Các luồng dân nhập cư và con cháu của họ mới có một thời gian chưa dài trong quá trình hội nhập, giao thoa giữa các cá tính và bản sắc địa phương. Đà Lạt vừa là môi trường tổng hòa các mối giao lưu vừa là kết quả tổng hợp các tinh hoa từ nhiều miền để hình thành cho mình một bản sắc với nhiều dáng vẻ độc đáo. Trong quá trình tổng hợp, không loại trừ khả năng chọn lọc, đào thải, vì thế bản sắc cư dân Đà Lạt không phải tổng cộng các sắc thái địa phương. Điều này xác định cư dân Đà Lạt có các giống cư dân các miền khác nhưng không phải là cư dân bất cứ một miền nào trên đất nước.
Chắt lọc, tinh chế, tổng hòa đã đúc thành một mẫu người Đà Lạt có dáng dấp Huế nhưng không phải Huế, Hà Nội mà không phải Hà Nội, Quảng mà không hẳn Quảng Nam hay Quảng Ngãi. Bản sắc con người Đà Lạt rất dễ cảm nhận và phân biệt nhưng gọi tên nó là gì vẫn còn là chuyện rất tế nhị.
Đà Lạt là một vùng không gian xanh. Đồi thông, bãi cỏ, da trời, màu nước… tất cả một màu xanh. Màu xanh mang đến cho con người sức sống, niềm tin yêu, hy vọng. Màu xanh làm cho con người có cảm giác yên lành, bình thản.
Cởi mở và mến khách là một điều rất đáng quý của người Đà Lạt
Đà Lạt là một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, các nghề dịch vụ lại có nguồn sống từ khách, nên mến khách không còn là một tình cảm mà trở thành lẽ sống. Nét đẹp này rất dễ thấy ở các chị bán hàng chào mời niềm nở, nhẹ nhàng, tôn trọng khách, không có ngôn ngữ thách đố. Những người phục vụ như xe thồ, khuân vác, nhân viên nhà trọ… không có thái độ bắt chẹt, thóa mạ khách hàng. Những người dân Đà Lạt có cái nhìn thiện cảm, không xoi mói, ganh tị và sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dẫn khi có người hỏi đến.
Rời quê hương bản quán lên sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất sơn nguyên hoang vu, đồi núi điệp trùng cách đây hơn nửa thế kỷ, những cư dân Đà Lạt đầu tiên hơn ai hết mong muốn tiếp nhận thêm nhiều đồng bào của mình từ mọi miền đất nước đến vùng đất lành này sống quần cư, tạo ấp, lập làng ngày càng đông vui, xóa dần nỗi buồn xa xứ, phát huy sức mạnh cộng đồng để khai phá đất hoang, làm chủ thiên nhiên. Đây là tiền đề và cơ sở quan trọng để tạo nên tình đoàn kết giữa những nhóm cư dân từ nhiều miền khác nhau về đây cùng sinh sống, giải thích vì sao người Đà Lạt tuy có nhiều gốc gác khác nhau, phong tục tập quán và tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau… mà vẫn không hề có định kiến, phân biệt đối xử, vẫn sống đoàn kết, gắn bó với nhau trong tình quê hương, nghĩa đồng bào…