Những món ăn nóng hổi ở cao nguyên gần như ‘run rẩy’ quanh năm này không chỉ giúp những lữ khách phương xa ấm lòng mà còn mang đến sự ấm áp cho những người con Đà Lạt khi trở về – theo đúng nghĩa đen và cả nghĩa bóng của từ này.
Tôi thích cảm giác ngủ vùi trong chiếc chăn ấm áp mà chẳng cần bật điều hòa. Tôi thích cảm giác vừa ăn vừa húp một tô bún bò Huế nóng hổi mà chẳng dám thổi vì sợ món ăn sẽ chóng nguội. Tôi thích cảm giác vừa nướng vừa ăn từng lát thịt thơm lừng mà chẳng ngại đổ mồ hôi bên bếp hồng rực lửa. Vậy nên, ăn và ngủ – với một người Sài Gòn như tôi – thì chẳng nơi nào sướng hơn là ở Đà Lạt.
Đà Lạt lạnh quanh năm tạo nên nét quyến rũ riêng trong lòng lữ khách
Ai đó nói rằng, ẩm thực Đà Lạt trở nên đặc sắc một phần là nhờ vào cái không khí se lạnh quanh năm. Cái lạnh bất kể xuân-hạ hay thu-đông này khiến bạn cảm giác ngon miệng hơn.
Bởi thế cho nên, ngót chục lần đến Đà Lạt, dù mỗi lần đều ghé qua những điểm tham quan khác nhau, nhưng lần nào tôi cũng phải ăn cho kỳ được “bộ tứ tròn vị”.
Bún bò Huế
Đà Lạt là vùng đất có rất nhiều người Huế di cư vào. Vì thế tôi chẳng ngạc nhiên khi người Đà Lạt lại thích ăn bún bò Huế và bún bò Huế ở Đà Lạt lại ngon đến vậy. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, bún bò ngon, ngoài Huế thì chỉ có Đà Lạt.
Cái đặc biệt của bún bò Huế cũng như vài món nước khác ở Đà Lạt là dĩa rau ăn kèm. Dĩa rau này không có rau muống sợi như nhiều nơi. Ngoài giá, bắp chuối, rau thơm là 3 thứ rau thường thấy, rau ăn kèm ở Đà Lạt còn có xà lách cắt sợi. Cũng cần phải có “tuyệt chiêu” mới có dĩa xà lách sợi ngon: dân “mới vào nghề” thì lấy dao lấy thớt cắt, người bán chuyên nghiệp thì lấy nguyên cây xà lách mà bào – vừa nhanh lại vừa có sợi xà lách thanh mỏng, ngon hơn nhiều.
Không khó để tìm một quán “bún bò Đà Lạt” ngon, các quán nổi tiếng phải kế đến là bún bò ở ấp Ánh Sáng, bún Công (đường Phù Đổng Thiên Vương), bún bò Thiên Trang (đường Hồ Tùng Mậu), bún bò Hà (đường Thi Sách) và bún bò dì Đàn (đường Đoàn Thị Điểm).
Riêng tôi vẫn thích nhất là những tô bún bò được nấu bởi các o, các mệ người Huế ở khu ấp Ánh Sáng. Bạn có thể chọn bất kỳ quán nào ở đây để ngồi xuống rồi uống ly trà nóng trong khi đợi chủ quán bưng ra tô bún bò thơm lừng không chút cầu kỳ với ít hành, ít huyết, vài lát thịt bò mềm hay một miếng giò nạc. Thêm chanh, ớt và rau là đã có thể ăn không ngừng đũa. Cả bún cả thịt, cả rau cả nước, cả hành cả ớt đều trôi vào bụng. Thật là ấm cả lòng, cả bao tử lẫn ruột gan!
Mì quảng
Nếu ai đó lớn tiếng nói rằng mì quảng ở xứ Quảng là ngon nhất, đúng chất nhất thì chẳng mấy người dám phủ nhận. Tuy nhiên, lạ là người Đà Lạt chỉ thích ăn mì quảng Đà Lạt và ngay cả người Sài Gòn như tôi cũng vậy.
Mì quảng Đà Lạt có những đặc trưng riêng của nó. Vì là xứ sở rau củ quả nên nhân của mì quảng Đà Lạt không chỉ có các loại thịt như nơi khác mà còn có củ sắn, cà rốt và hành tây cắt nhỏ. Những thứ này được hầm chung với tôm khô và sườn heo hoặc giò heo tạo nên một vị ngọt tự nhiên của cả động vật lẫn thực vật. Thành phẩm là một tô mì quảng ngon khó cưỡng ăn cùng với bánh tráng nướng, đậu phộng rang, chanh, ớt và một dĩa rau đặc trưng của Đà Lạt. Đặc biệt là tô mì quảng Đà Lạt được chan nhiều nước chứ không phải chỉ xăm xắp như ở xứ Quảng, điều này giúp tô mì giữ độ nóng lâu hơn trong khí trời lạnh giá của Đà Lạt và giúp bạn có thể ăn kèm được với nhiều rau tươi hơn.
Muốn ăn mì quảng Đà Lạt ngon thì bạn nên ghé qua mì quảng Xí (đường Mạc Đĩnh Chi), mì quảng ở đường Phan Đình Phùng, đường Nhà Chung hay ấp Ánh Sáng. Tôi thì mê “ấp ẩm thực Ánh Sáng” lắm, bún bò hay mì quảng gì cũng tuyệt vời.
Miến gà
Thật sự thì miến gà Đà Lạt không có nét đặc trưng như bún bò Huế và mì Quảng. Vậy mà chưa lần nào đến Đà Lạt mà tôi không ghé 1 trong 2 quán nổi tiếng ở đây để ăn một tô miến. Lý do là vì tôi vẫn chưa tìm được và cũng khó tìm được quán miến gà nào ở Sài Gòn có tay nghề “chuẩn” như Miến gà Nga (đường Nguyễn Chí Thanh) và Miến gà Tường Vi (đường Huyền Trân Công Chúa).
Miến gà Nga được nhiều khách du lịch biết đến hơn vì ở ngay trung tâm thành phố. Nhưng nhiều người bạn thổ địa của tôi đều thích Miến gà Tường Vi hơn. Trước đây quán cũng nằm gần Miến gà Nga, sau này thì dời về gần thác Cam Ly, hơi xa trung tâm nên chỉ có dân Đà Lạt và những fan trung thành mới biết mà tìm đến.
Miến gà Đà Lạt vừa mang chút biến tấu của miền Bắc với thịt gà xé sợi, vừa mang “xì-tai” của miền Nam với gà chặt miếng. Nước lèo vừa ngọt lại vừa béo, sợi miến dai vừa, không cứng cũng không nát, thịt gà thì vừa dai lại vừa ngon, thêm dĩa rau xanh tươi với chén lòng gà nóng hổi nữa thì quả thật dễ khiến người ta quên bẵng đi cái lạnh giá ngoài trời.
Thịt nướng ngói vừa thổi vừa ăn
Nhắc đến quán nướng ngói Đà Lạt thì ai cũng biết quán Cu Đức ở đường Nguyễn Lương Bằng và mới đây nhất là quán nướng Hưng Thịnh, nằm trong con hẻm nhỏ đối diện khách sạn Sammy nổi tiếng.
Tôi thì thích quán Hưng Thịnh vì có phần thoáng hơn, sạch sẽ hơn, thức ăn ngon và phong phú hơn mà nhân viên phục vụ lẫn chủ quán đều rất vui vẻ nhiệt tình.
Nướng ngói là phong cách nướng thịt bằng một miếng ngói âm dương, nằm cong cong đẹp mắt trên bếp than hồng. Ngói sẽ được đặt nghiêng xuôi trên bếp than, bên dưới miếng ngói là một dĩa dầu, khi bạn rưới dầu lên ngói thì dầu sẽ từ từ chảy xuống lại chiếc dĩa này. Điều này làm cho miếng thịt không bị “ăn” quá nhiều dầu, tránh cháy như nướng trên vỉ. Đặc biệt, dầu không rơi xuống bếp than nên cũng không tạo ra nhiều khói khó chịu. Cách nướng này với nhiệt tỏa đều trên miếng ngói làm cho thịt nướng thơm hơn, chín đều, giữ được độ ngọt và chất dinh dưỡng.
Tôi gọi cách nướng này là một tuyệt tác! Hãy nhìn xem, bạn có thấy nó giống những dòng thác nhiều tầng đẹp như mơ ở Đà Lạt không? Ngồi trước bếp than ấm hồng, lòng tôi lại nôn nao đến với ngọn thác Pongour huyền ảo hay Cam Ly thơ mộng mát lành.
Dầu rưới lên ngói và chảy qua thịt, lăn xuống lại chén bên cạnh bếp lò, tựa như suối nguồn ầm ào đổ xuống, chảy qua những ghềnh đá rồi thả mình xuống hồ sâu…
Khuyến mãi thêm món cá chép om dưa nữa thì quên đường về
Ngồi bên bếp ngói nghi ngút khói, vừa thưởng thức từng miếng thịt nướng thơm lừng, vừa nhấm nháp từng ly rượu đặc sản, phong cách rất Đà Lạt này khiến tôi quên mình là lữ khách phương xa, quên luôn cơn gió lạnh mưa phùn ngoài hiên, bất giác thấy mình thuộc về nơi này, thuộc về Đà Lạt…